Thế nào là đồng hồ automatic

thế nào là đồng hồ automatic

Trong thế giới đồng hồ rộng lớn, giá cả của đồng hồ bị chi phối bởi nhiều yếu tố: thương hiệu, vật liệu chế tạo, kỹ thuật hoàn thiện và bộ máy, v.v. Trong đó, bộ máy luôn là một trong những tiêu chí đầu tiên khi cân nhắc chọn mua một chiếc đồng hồ.

đồng hồ cơ bao gồm đồng hồ cơ thủ công và đồng hồ cơ automatic

Theo thời gian, bộ máy đồng hồ ngày càng được cải tiến và cho ra đời nhiều biến thể đa dạng. Tuy nhiên, phổ biến nhất trên thị trường hiện nay vẫn là 2 loại chính: đồng hồ thạch anh (đồng hồ pin) và đồng hồ cơ. Trong đó, đồng hồ cơ được chia thành 2 loại: đồng hồ cơ thủ công (hand-winding) và đồng hồ cơ tự động (automatic).

Xét về độ phổ biến, đồng hồ automatic được nhiều người sử dụng nhất hiện nay và cũng chiếm số lượng lớn hơn trên thị trường. Vậy đồng hồ automatic là gì? Nó hoạt động như thế nào? Bối cảnh ra đời của đồng hồ automatic ra sao? Cùng Luxury Shopping khám phá trong đề tài ngày hôm nay.

Đồng Hồ Automatic Là Gì?

Đồng hồ automatic hay còn gọi là đồng hồ cơ tự động (hoặc đồng hồ cơ tự lên dây cót) là loại đồng hồ có khả năng tự cung cấp năng lượng thông qua chuyển động cổ tay của người đeo. Nói cách khác, đây là một loại đồng hồ cơ không cần chúng ta phải lên dây cót thì nó mới có thể chạy được. Tất cả những gì chúng ta cần làm là đeo nó trên tay.

Đồng hồ automatic có thể được nhận biết thông qua mặt lưng đồng hồ (trong trường hợp mặt lưng ốp kính trong suốt, cho phép quan sát bộ máy bên trong), nơi chúng ta có thể tìm thấy một cánh quạt rotor có thể quay. Cánh quạt rotor này đóng vai trò như một trọng lượng dao động – chuyển hóa thế năng thành động năng, và sau đó là từ động năng chuyển hóa thành năng lượng duy trì hoạt động cho bộ máy.

đồng hồ automatic là gì

Cánh rotor được làm từ vàng 22K trong một mẫu đồng hồ Vacheron Constantin

có thể quan sát từ mặt lưng ốp kính sapphire

Những năm gần đây, khi công nghệ chế tạo bộ máy đồng hồ ngày càng phát triển, đồng hồ automatic cũng có một số biến thể của riêng nó, bao gồm các bộ máy automatic nghịch đảo – cánh quạt rotor thay vì nằm ở mặt lưng đồng hồ được chuyển sang mặt trước của đồng hồ, chẳng hạn như Piaget Emperador hay Dior Grand Bal; hoặc các bộ máy có cánh quạt rotor mini nằm lệch tâm, ví dụ như dòng đồng hồ automatic siêu mỏng Bulgari Octo Finissimo.

Cơ Chế Hoạt Động Của Đồng Hồ Automatic

Trong khi đồng hồ cơ thủ công chạy bằng cách vặn núm điều chỉnh để lên dây cót thì đồng hồ automatic là hoạt toàn tự động. Mọi chiếc đồng hồ automatic đều sẽ có rotor làm bằng các loại vật liệu nặng như vonfram, vàng hoặc bạch kim để chúng có đủ trọng lực và tạo ra dao động. Khi người đeo hoạt động cánh tay, rotor sẽ lắc lư, từ đó dẫn động đến các bánh răng và thực hiện cuộn dây cót.

Như vậy, chúng ta có thể lên cót bằng tay cho đồng hồ automatic không?

Tất cả đều phụ thuộc vào bộ máy. Không phải mọi loại đồng hồ automatic đều được bổ sung tính năng lên dây cót bằng tay cho người dùng. Khi những chiếc đồng hồ automatic thông thường hết cót, bạn sẽ cần phải nạp năng lượng lại cho nó bằng cách đeo trên cổ tay hoặc đặt nó vào các hộp xoay chuyên dụng. Tuy nhiên, hầu hết các bộ máy automatic cao cấp ngày nay đều có khả năng lên dây cót bằng tay. Điều này đặc biệt hữu dụng đối với các nhà sưu tập đồng hồ hoặc những người không đeo đồng hồ thường xuyên.

đồng hồ automatic có thể vặn núm để lên dây cót được không

Việc thường xuyên nạp cót cho đồng hồ automatic bằng tay có được khuyến khích hay không phụ thuộc vào bộ máy của các nhà sản xuất. Không có câu trả lời tuyệt đối nào. Các nhà sản xuất thường cung cấp thông tin này trong tài liệu đi kèm của đồng hồ. Mặc dù vậy, nhìn chung, nếu bạn càng ít sử dụng núm điều chỉnh để lên dây cót cho chiếc đồng hồ automatic của bạn, thì các thành phần của bộ máy cũng sẽ ít bị mài mòn hơn, từ đó tăng thêm độ bền cho đồng hồ.

Làm thế nào để biết rằng đồng hồ automatic đã nạp đầy cót?

Nếu chiếc đồng hồ cơ của bạn vừa tự động vừa thủ công, vậy làm thế nào để lên dây cót cho đồng hồ? Nó có khác gì so với đồng hồ cơ thủ công không? Làm sao để biết đồng hồ đã được nạp đầy cót?

Hãy luôn nhớ rằng đồng hồ cơ tự động khác với đồng hồ cơ thủ công, chúng ta sẽ không có cơ hội làm hỏng dây cót bởi vì vặn núm điều chỉnh quá nhiều. Điều này nhờ vào một “lò xò trượt” ở cuối dây cót có thể lướt nhẹ quanh viền trong của barrel (thùng năng lượng) sau khi đồng hồ đã được nạp đầy cót.

Bạn có thể vặn núm điều chỉnh bao nhiêu tùy thích mà không cần lo sợ ảnh hưởng xấu đến bộ máy. Nếu áp tai vào sát đồng hồ automatic khi lên dây cót, bạn thậm chí có thể nghe thấy tiếng dây cót lướt qua. Điều này cho biết đồng hồ automatic của bạn đã lên dây cót đầy đủ (trong trường hợp đồng hồ không có chỉ báo năng lượng).

đồng hồ automatic có tính năng báo mức dự trữ năng lượng

Một mẫu đồng hồ automatic Vacheron Constantin Fiftysix có tính năng báo mức dự trữ năng lượng ở hướng 6 – 7 giờ. Khi kim chỉ đến thang đo màu đỏ, chứng tỏ đồng hồ của bạn đã gần hết năng lượng.

Ưu Điểm Của Đồng Hồ Automatic

1. Đồng hồ automatic có khả năng tự nạp cót nhờ vào cơ chế của trọng lượng dao động, ngoài ra còn cho phép năng lượng dự trữ trong trong một thời gian dài. Cơ chế này khiến cho người đeo không cần chú ý quá nhiều đến việc lên cót cho đồng hồ, vô cùng tiện lợi.

2. Việc hạn chế tiếp xúc với núm điều chỉnh để lên cót cho đồng hồ là một cách hữu hiệu để bảo trì tính thẩm mỹ của vỏ máy, đồng thời cũng tránh cho các cơ chế bên trong đồng hồ bị hư hỏng quá nhiều.

3. Thiết kế của dây cót và barrel trong đồng hồ automatic giúp ngăn ngừa việc hư hỏng do quấn dây cót quá chặt.

4. Bộ máy đồng hồ automatic có tính thẩm mỹ cao hơn nhiều so với đồng hồ thạch anh. Đó là lý do vì sao những mẫu đồng hồ automatic cao cấp thường sẽ có ốp lưng trong suốt – tạo điều kiện cho người đeo quan sát bộ máy từ mặt sau đồng hồ, bao gồm cả sự dao động của cánh quạt rotor được trang trí rất đẹp mắt và thường mang những biểu tượng của thương hiệu.

5. Đồng hồ cơ tự động có tuổi thọ cao. Nếu cẩn thận bảo dưỡng đúng cách, bạn có thể lưu giữ chiếc đồng hồ automatic của mình cho thế hệ sau.

6. Đồng hồ automatic có một sức nặng đặc biệt – một phần là do cơ chế rotor có trọng lượng. Đối với một số người đam mê đồng hồ, việc cảm nhận sức nặng này giống như cảm nhận sự tồn tại của một cỗ máy phức tạp trên cổ tay. Đây có thể coi là một trong những thú vui tinh tế của những người chơi đồng hồ cơ.

7. Đồng hồ automatic nói riêng và đồng hồ cơ nói chung là một cách tinh tế để thể hiện niềm tự hào về sự thành công của bản thân. Phần lớn chúng đều có giá trị cao hơn đồng hồ quartz thông thường, thế nên đồng hồ automatic được xem là một cách để nói lên rằng chủ nhân của nó là ai.

Nhược Điểm Của Đồng Hồ Automatic

1. Ngoại trừ việc hư hỏng, điều duy nhất khiến cho một chiếc đồng hồ automatic ngừng hoạt động đó là nó không được đeo trên tay một khoảng thời gian dài hơn giới hạn dự trữ năng lượng của nó. Để nạp năng lượng cho đồng hồ automatic, chúng ta có thể đeo nó trên tay hoặc đặt nó vào những chiếc hộp xoay chuyên dụng. Điều này khá phiền toái khi đồng hồ automatic của bạn hết cót, vì chúng sẽ tốn nhiều thời gian để nạp lại năng lượng.

hộp xoay nạp cót cho đồng hồ automatic

Hộp xoay chuyên dụng cho đồng hồ automatic

2. Đối với một số mẫu đồng hồ vừa tự động vừa thủ công, bạn có thể nạp cót cho nó bằng cách vặn núm điều chỉnh. Tuy nhiên, việc lên dây cót bằng tay cho đồng hồ automatic quá nhiều có thể khiến bạn phải mang nó đi bảo dưỡng nhiều hơn.

3. Chọn mua đồng hồ automatic có nghĩa là bạn đang cam kết rằng mình sẽ dành một chút thời gian mỗi năm để bảo dưỡng đồng hồ, giúp nó có thể hoạt động trơn tru. Bạn có thể tự bảo dưỡng đồng hồ automatic tại nhà hoặc mang nó ra tiệm để kiểm tra. Dưới con mắt tinh tường và chuyên nghiệp của thợ sửa đồng hồ, cũng như các dụng cụ hỗ trợ chuyên nghiệp, các trung tâm sửa chữa và bảo dưỡng đồng hồ uy tín có thể giúp bạn kiểm tra các vấn đề tiềm ẩn của đồng hồ.

4. Ngoài ra, chi phí bảo dưỡng và sửa chữa đồng hồ automatic cũng đắt hơn nhiều so với đồng hồ quartz. Nhất là khi một trong số những thành phần của bộ máy bị hư hỏng hoặc hao mòn, khi đó bạn cần phải thay thế chúng và chi trả một khoản tiền không thấp.

5. Cho đến hiện nay, các bộ máy cơ tự động vẫn thường xuyên bị đánh giá là kém thẩm mỹ hơn các bộ máy cơ thủ công.

6. Sự nặng nề của đồng hồ automatic cũng là một trong những nhược điểm khiến cho một số người không thích đeo phụ kiện cồng kềnh phải suy nghĩ lại. Nếu bạn thích một chiếc đồng hồ có thể càng nhẹ càng tốt, thiết nghĩ đồng hồ thạch anh sẽ phù hợp hơn.

hộp xoay nạp cót cho đồng hồ automatic

Những Yếu Tố Nên Cân Nhắc Khi Mua Đồng Hồ Automatic

1. Thương hiệu của đồng hồ: Không chỉ riêng đồng hồ automatic, khi có nhu cầu mua bất cứ một chiếc đồng hồ chính hãng nào, điều đầu tiên bạn cần quan tâm là thương hiệu của đồng hồ. Không chỉ nói lên uy tín, danh vọng và đẳng cấp của đồng hồ, nó còn là “lý do chính” cho số tiền mà bạn sắp phải bỏ ra.

2. Thiết kế đồng hồ và vật liệu chế tạo: Các mẫu đồng hồ automatic bằng vàng nguyên khối sẽ có mức giá đắt hơn nhiều so với phần lớn đồng hồ thép. Ngoài ra, việc đính thêm kim cương, đá quý hay một số loại vật liệu quý khác cũng khiến nó có giá trị cao hơn. Kích thước và thiết kế mặt số cũng khá quan trọng, đặc biệt là khi bạn muốn đeo nó mỗi ngày, hãy lựa chọn một mẫu có đường kính vừa phải để không gây cộm dưới cổ tay áo sơ-mi.

các yếu tố nên cân nhắc trước khi mua đồng hồ cơ tự động

3. Mục đích sử dụng và tính năng: Thông thường, mục đích sử dụng sẽ quyết định tính năng cần có cho chiếc đồng hồ automatic tương lai của bạn. Chẳng hạn như nếu bạn là vận động viên hay thợ lặn, hãy mua một chiếc đồng hồ lặn automatic với các tính năng thích hợp như van thoát khí Heli, dự báo thời gian tối thiểu còn lại, khả năng chống nước trên 100 mét,… Nếu bạn thích đi du lịch hoặc thường xuyên xuất ngoại thì các mẫu đồng hồ đa múi giờ sẽ là lời gợi ý không tồi. Hoặc những mẫu đồng hồ chronograph, đồng hồ phi công, đồng hồ quân đội, v.v. sẽ có những tính năng cần thiết để phục vụ cho những mục đích cụ thể.

4. Bộ máy đồng hồ: Xuất xứ của bộ máy đồng hồ là một trong những yếu tố chính mà bạn nên xem xét đầu tiên, sau đó là tên tuổi của nhà sản xuất và khả năng dự trữ năng lượng của bộ máy.

các yếu tố nên cân nhắc khi mua đồng hồ automatic

5. Quy trình sản xuất và chất liệu chế tạo bộ máy: Đối với các mẫu đồng hồ automatic đắt giá, việc bộ máy của nó có được sản xuất in-house hay không, cánh quạt rotor có được làm bằng vàng nguyên khối hay không, chân kính có phải ruby thật hay không là những câu hỏi bạn nên đặt ra.

6. Độ hoàn thiện của đồng hồ: bao gồm độ hoàn thiện của bộ máy bên trong và thiết kế bên ngoài là một yếu tố quan trọng đối với những mẫu đồng hồ có giá trên 100.000.000 VND. Nó quyết định xem chiếc đồng hồ có phải là một phần của Haute Horlogerie hoặc Fine Watchmaking hay không.

các yếu tố cần phải chú ý khi mua đồng hồ automatic

Rotor bằng vàng nguyên khối 22K

7. Hướng dẫn sử dụng đồng hồ: Hãy chắc chắn rằng bạn thật sự hiểu về chiếc đồng hồ automatic của mình bằng việc tìm hiểu hướng dẫn sử dụng của nó. Việc sử dụng, cài đặt và điều chỉnh đồng hồ đúng cách sẽ khiến cho nó có độ bền lâu hơn.

8. Các chính sách bảo hành và sửa chữa: Đối với đồng hồ cơ nói chung và đồng hồ automatic nói riêng, không có hậu mãi nào quan trọng hơn chính sách bảo hành và sửa chữa đồng hồ. Điều này có thể giúp bạn giảm bớt các chi phí để sửa chữa đồng hồ khi có hư hỏng, hoặc có thể mang đồng hồ đi kiểm tra định kỳ ở các địa điểm uy tín.

Lịch Sử Đồng Hồ Automatic

Kể từ khi chiếc đồng hồ cơ được xem là đầu tiên trên thế giới ra đời vào năm 1275, sau nhiều năm hoàn thiện và phát triển kỹ thuật chế tạo đồng hồ, các nhà phát minh từ khắp nơi trên thế giới đã đặt mục tiêu tạo ra các thiết kế cơ khí mới giúp đồng hồ của họ có thể tự lên dây cót, cho phép người dùng thoải mái sử dụng đồng hồ mỗi ngày cho dù họ có quên lên dây cót. Những nỗ lực đầu tiên trong lĩnh vực này đến từ những năm 1770, và sau đó việc sản xuất đồng hồ automatic đã lan rộng khắp thế giới.

chiếc đồng hồ automatic đời đầu tiên được phát minh bởi Abraham-Louis Perrelet vào những năm 1770

Chiếc đồng hồ automatic đời đầu tiên được phát minh

bởi Abraham-Louis Perrelet vào những năm 1770.

Tất cả các đồng hồ cơ đều được cung cấp năng lượng bằng dây cót. Độ bung chậm rãi của dây cót giúp chuyển động các bánh răng và điều khiển các kim. Cũng bởi vì lò xò sẽ bung ra dần, cho nên để duy trì đồng hồ chạy, người đeo phải liên tục cuộn dây cót bằng cách xoay núm điều chỉnh. Đồng hồ cơ automatic sử dụng cơ chế cuộn dây cót nhờ vào một trọng lượng dao động bổ sung (rotor). Rotor này thường có hình bán nguyệt hoặc hình cánh quạt, nó có thể lắc lư qua lại theo chuyển động của cổ tay. Cánh rotor này cũng là đại diện cho kiểu dáng cơ bản của mọi chiếc đồng hồ cơ tự động trên thị trường. Tuy nhiên, những mô hình đầu tiên của công nghệ tự cuộn dây cót này có một số nhược điểm vào thời gian đầu và đã được khắc phục trong hơn 300 năm qua. Một ví dụ cụ thể là các phương pháp để ngăn chặn dây cót tự quấn quá chặt – dẫn đến hư hỏng bộ máy.

Lịch sử của đồng hồ automatic bắt đầu từ những năm 1770 với những thiết kế của bậc thầy chế tạo đồng hồ người Thụy Sĩ Abraham-Louis Perrelet. Ông đã phát minh ra thiết bị cơ học có thể chuyển hóa động năng từ hoạt động của cơ thể người thành năng lượng để cung cấp đồng hồ trong vòng 8 ngày.

Abraham-Louis Perrelet là người phát minh ra đồng hồ automatic vào những năm 1770.

Abraham-Louis Perrelet (1729 – 1826)

Tuy nhiên, đồng hồ automatic được biết đến rộng rãi hơn bởi nhà phát minh người Pháp Hubert Sarton – người đã công bố thiết kế của mình vào năm 1778 và cố gắng giới thiệu với các nhà sử học rằng đồng hồ của Perrelet được lấy cảm hứng từ công việc của ông.

Năm 1780, công chúng Pháp có cơ hội mua đồng hồ bỏ túi automatic từ thợ đồng hồ có tên là Abraham-Louis Breguet – người đã mua lại thiết kế từ Perrelet và thực hiện một số cải tiến. Tuy nhiên, ông đã ngừng bán chúng vào năm 1800 sau khi công chúng nhận ra rằng đồng hồ cơ thủ công này không đáng tin cậy.

Cuộc cách mạng chân chính trong ngành công nghiệp đồng hồ automatic đã đến sau Thế chiến thứ I, khi việc sản xuất đồng hồ đeo tay nhỏ với cơ chế lên dây cót tự động đã được thông qua. Bởi vì chuyển động của cổ tay cung cấp nhiều động năng hơn so với đồng hồ bỏ túi, các kỹ sư cuối cùng đã có cơ hội hiện thực hóa các cơ chế chuyển động tự động đó. Người đầu tiên làm được điều này là John Harwood, thợ sửa đồng hồ đến từ Bolton, Anh.

đồng hồ đeo tay automatic đầu tiên John Harwood năm 1923lịch sử đồng hồ đeo tay automatic

Chiếc đồng hồ đeo tay automatic của John Harwood năm 1923

Sau khi ông yêu cầu bằng sáng chế tiếng Anh và tiếng Thụy Sĩ cho đồng hồ automatic ion năm 1923, ông đã được trao bằng sáng chế cho phát minh tiên phong về đồng hồ đeo tay tự lên dây cót đầu tiên vào năm 1924. Với chiếc đồng hồ tự lên dây cót thành công và đang hoạt động, nó đã được giới thiệu lần đầu tiên tại Hội chợ Thương mại Basel vào năm 1926 với cái tên HARWOOD Automatic.

Hardwood bắt đầu sản xuất đồng hồ tại nhà máy của ông ở Switzerland vào năm 1928 để dân chúng Châu Âu có cơ hội sử dụng những chiếc đồng hồ có khả năng hoạt động 12 giờ sau khi chúng được sạc đầy.

Năm 1931, cơ chế lên dây cót kiểu cũ của Hardwood phải chịu sự cạnh tranh từ một bộ chuyển động rotor mới – được phát minh để có thể lên dây cót cho đồng hồ theo chuyển động 360 độ. Bộ chuyển động rotor này lần đầu tiên được giới thiệu trên Rolex Oyster Perpetual.

Cuộc thi đã làm dấy lên sự phủ sóng trên toàn thế giới, với những bất đồng về nhà phát minh ra đồng hồ tự lên dây cót. Rolex sau đó đã xin lỗi vào năm 1956, trao cho John Harwood toàn bộ công lao là người phát minh ra chiếc đồng hồ đeo tay tự động đầu tiên trên thế giới với bức chân dung của ông được sử dụng trong quảng cáo trong tương lai của Rolex.

lịch sử đồng hồ automatic Hardwood và Rolex

Mặc dù Hardwood đã phát minh ra đồng hồ đeo tay tự động, nhưng người ta đã ghi nhận rộng rãi rằng Rolex đã cải tiến thiết kế với chuyển động rotor do lên dây cót một chiều 360°. Một chuyển động vẫn được thấy trong các máy tự động hiện đại ngày nay.

Vào năm 1948, Eterna Watch đã giới thiệu ổ bi cho đồng hồ automatic, cho phép kiểm soát tốt hơn nhiều đối với các bộ phận bên trong và khả năng duy trì tính toàn vẹn của cấu trúc bộ máy, ngay cả khi chịu tác động mạnh của ngoại lực bên ngoài (chẳng hạn như khi đồng hồ bị rơi xuống đất).

Hiện tại, phần lớn đồng hồ đeo tay trên thế giới đều sử dụng bộ máy automatic, chỉ một số ít còn lại giữ được thiết kế lên dây cót thủ công. Một số đồng hồ automatic chấp nhận kỷ nguyên kỹ thuật số, với cánh quạt có trọng lượng quay bên trong máy phát điện nhỏ để lưu trữ năng lượng của chúng thành pin sạc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *