Có lịch sử kéo dài qua 5 thập kỷ, đồng hồ đeo tay là một kiệt tác của những nhà thiết kế vĩ đại. Đằng sau chiếc kim giây chạy liên hồi đo đếm thời gian chính xác trên mặt số là cả thế giới máy móc tinh vi – nơi các nghệ nhân thỏa sức sáng tạo để mang đến niềm tự hào cho những ai sở hữu chúng. Bạn đã một lần thử tìm hiểu cấu tạo từng bộ phận đồng hồ – cỗ máy nhỏ bé hàng ngày vẫn ngự trên tay bạn?
I. MÁY ĐỒNG HỒ (MOVEMENT)
1. Đồng hồ thạch anh/đồng hồ pin (Quartz Movement)
Đồng hồ thạch anh (Quartz) là một loại đồng hồ hoạt động bởi cơ chế điều động bằng một tinh thể thạch anh. Tinh thể dao động khi được đặt trong một điện trường, nhờ đó cung cấp năng lượng cho đồng hồ. Đồng hồ thạch anh chạy chính xác và giá thành rẻ.
2. Đồng hồ tự động/đồng hồ cơ (Automatic Watch)
Đồng hồ máy cơ là loại máy đồng hồ chạy bằng năng lượng từ dây cót không sử dụng pin. Có 2 loại đồng hồ cơ phổ biến hiện nay:
– Hand-winding “Lên dây cót bằng tay”: Loại đồng hồ mà người đeo phải dùng tay vặn núm đồng hồ để lên dây cót. Số vòng vặn để lên dây cót và số giờ tích cót tối đa tùy thuộc vào từng loại đồng hồ .
– Automatic “Tự động lên dây cót”: Đồng hồ được lên dây cót nhờ chuyển động một rôto xoay và truyền năng lượng của nó cho lò xo qua một cơ chế thích hợp. Rôto xoay trong khi người dùng đeo lên tay và hoạt động nên chúng ta không phải dùng tay vặn cót. Đồng hồ cơ không cần sử dụng pin.
3. Các loại máy đồng hồ khác
Bên cạnh máy cơ và máy quartz, chúng ta còn có các loại máy đồng hồ khác như Kinetic, Solar, Eco-Drive,…
– Kinetic: là loại máy lai giữa đồng hồ cơ và đồng hồ quartz của Seiko. Kinetic đã kết hợp những ưu điểm sáng giá của 2 loại đồng hồ Automatic và Quartz:
Khả năng hoạt động mà không phải thay pin của đồng hồ AutomaticThiết kế gọn nhẹ và sự chính xác gần như tuyệt đối của đồng hồ Quartz với sai số lý tưởng: ±0.5 s/ngày.
– Eco-Drive: máy đồng hồ chạy bằng năng lượng ánh sáng độc quyền do Citizen sản xuất. Nó hấp thụ cả những nguồn sáng tự nhiên lẫn nhân tạo, kể cả những ánh sáng yếu như đèn ne-on hay ánh nến. Khi sạc đầy pin, đồng hồ có thể hoạt động từ 6 tháng – 1 năm trong tối. Tuổi thọ pin gần như vĩnh viễn, tuy nhiên nhà sản xuất vẫn khuyên bạn nên kiểm tra sau 5-7 năm sử dụng.
– Solar: máy đồng hồ chạy bằng năng lượng ánh sáng của Seiko. Cơ chế hoạt động của nó tương tự như Citizen Eco-Drive.
– Spring-Drive: Máy Spring Drive bản chất là máy cơ, có 80% các chi tiết giống với máy cơ truyền thống nhưng lắp thêm bộ hiệu chỉnh thời gian điện tử như đồng hồ quartz. Việc này nhằm giảm sai số đến mức tối thiểu mà vẫn giữ được tinh hoa cơ khí và chiếc kim giây chuyển động mượt mà.
II. KÍNH ĐỒNG HỒ
Mica
Thực chất đây không phải là kính mà là loại nhựa tổng hợp trong suốt. Chúng có ưu điểm là giá rẻ, thường được sử dụng cho đồng hồ trẻ em, rẻ tiền… Sử dụng sau thời gian, mica sẽ bị mờ, trầy xước…không đánh bóng được..
Sapphire Glass (Kính Sapphire)
Là loại đá trong suốt không trầy xước. Trừ khi bạn lấy kim cương chà xát lên Sapphire hoặc Sapphire cọ xát với Sapphire hoặc cạnh của lá lúa chà xát lên mặt kính Sapphire thì bị trầy. Còn lại, kính Sapphire miễn nhiễm với các loại cọ xát.
Vì vậy, kính Sapphire có giá thành khá cao, thường được ráp trong đồng hồ cao cấp. Tuy nhiên do cấu tạo hóa học, kính Sapphire lại khá giòn và khó đánh bóng lại nếu xước.
Kính Sapphire chia thành 3 loại:
– Sapphire tráng mỏng: Là loại kính thường được tráng một lớp mỏng Sapphire, giòn, dễ vỡ khi va chạm. Sau khi sử dụng một thời gian, lớp kính Sapphire trên bề mặt đã bị phai đi. Loại kính Sapphire tráng mỏng được sử dụng ở những chiếc đồng hồ nhái rẻ tiền.
– Sapphire tráng dày: Bản chất tương tự như loại kính Sapphire tráng mỏng ở trên. Lớp Sapphire trên bề mặt được làm dày hơn, nên thời gian sử dụng sẽ lâu hơn.
– Sapphire khối: Tốt nhất trong các loại kính Sapphire, độ cứng chỉ thua duy nhất mỗi kim cương. Kính sapphire khối có khả năng chống trầy cực tốt, đặc biệt nếu bạn đưa ra ngoài ánh sáng mạnh thì sẽ thấy lấp lánh 7 màu. Thông thường những đồng hồ chính hãng mới lắp kính này.
Mineral Glass (Kính khoáng chất)
– Kính khoáng chất (Mineral Glass) khắc phục 01 yếu điểm của Sapphire là giòn và tận dụng được 01 ưu điểm của kính Sapphire là không trầy. Độ sáng bóng và độ chống xước của kính thường không tốt bằng kính Sapphire. Tuy nhiên, chúng chống va chạm, không bị vỡ khi va chạm vô tình. Dù có bị trầy, Mineral Glass cũng dễ đánh bóng hơn.
Bởi những ưu điểm trên mà ngày nay các hãng đồng hồ thường lắp kính khoáng chất với hơn 80% lượng đồng hồ sản xuất.
III. VỎ ĐỒNG HỒ
Vỏ thép không gỉ
– Thép không gỉ (inox) có đặc tính bền, chống oxi hóa tốt, chống va chạm tốt, giúp đồng hồ không bị han xỉ, móp méo nếu có va chạm. Đồng hồ kim loại trên thế giới hầu hết được chế tác từ thép không gỉ. Đồng hồ chính hãng thường sử dụng thép không gỉ 316L, riêng Rolex sử dụng thép 904L.
Các loại vỏ khác
Ngoài ra còn một số chất liệu khác ưu việt để làm vỏ đồng hồ như: kim chống xước, gốm công nghệ cao, Titanium, Aluminum (nhôm), cao su khối,…
IV. DÂY ĐỒNG HỒ
Các loại dây đồng hồ:
– Dây Inox hay thép không gỉ (Stainless Steel): Bền, không bị oxy hoá hay gỉ.
– Dây mạ: Làm bằng thép thường hoặc bằng đồng, được mạ bóng, theo thời gian sẽ bị oxy hoá.
– Dây hợp kim Titanium: Nhẹ, bền, không oxy hoá, màu trắng mờ.
– Dây da thường
– Dây da cao cấp (Da cá sấu – Crocodile leather band).
– Các loại dây khác: Dây nhựa, dây vải tổng hợp, dây cao su, dây silicon, dây nylon.
V. ĐÁY ĐỒNG HỒ (BACK)
Đáy của đồng hồ thường được làm bằng thép không gỉ hoặc hợp kim Titanium với một số loại đáy như sau:
– Đáy cậy: Độ chống nước trung bình, các loại chuyên dụng chống nước tốt.
– Đáy xoay (vặn ren): Chống nước tốt.
– Đáy bắt vít: Chống nước trung bình, các loại chuyên dụng chống nước tốt.
– Đáy lắp kính (See through back): có thể vặn ren hoặc ép gioăng, có thể nhìn rõ bộ máy bên trong, chống nước trung bình.
VI. VÀNH ĐỒNG HỒ (BEZEL)
Bezel là bộ phận nằm giữa vỏ và mặt kính của đồng hồ, thường được làm bằng thép không gỉ hay thép thường hoặc một số chất liệu khác. Các loại vành đồng hồ phổ biến hiện nay:
– Vành trơn: làm từ thép không gỉ được đánh bóng.
– Vành gắn hạt: dùng hạt nhựa, đá trắng, đá màu, hay đá quý như đá Sapphire hay kim cương trang trí bằng cách gắn lên vành, tạo nên sự quý phái của đồng hồ.
– Vành chống xước: được làm bằng hợp kim Tungsten hay Ceramic.
– Vành chia độ, hướng la bàn (đồng hồ thể thao): có chia thanh đo ngay trên vòng bezel.
– Vành cố định và vành xoay (ren trong): vành xoay thường gặp ở những mẫu đồng hồ lặn.
VII. MẶT SỐ (DIAL)
Các chất liệu để làm mặt số đồng hồ
– Thép sơn màu, thép mài bóng.
– Khảm trai (M.O.P: Mother of Pearl).
Kiểu dáng
– Mặt số không lịch
– Mặt số có lịch ngày hoặc lịch thứ (Day & Date Function).
– Mặt số Chronograph: Có kim tính giây, phút, phần mười giây của giờ thể thao hoặc có kim chỉ lịch ngày, lịch thứ, lịch tháng.
– Mặt số gắn đá hoặc kim cương.
Những bộ phận cơ bản nhất để tạo nên một chiếc đồng hồ đeo tay đã được trình bày đầy đủ ở phía trên. Hy vọng những thông tin này đã phần nào giúp bạn hiểu được phần nào về chiếc đồng hồ trên tay mình để thêm yêu và giữ gìn chúng thật cẩn thận.
Hẹn gặp lại các bạn trong những bài viết tiếp theo của Xwatch!