Ai cũng biết dây cót đồng hồ chính là phần sinh ra năng lượng trong máy đồng hồ cơ nhưng hình dáng như thế nào, được làm từ vật liệu gì, hay sự ảnh hưởng của chúng đến độ chính xác… thì lại có rất ít người để ý đến.
Bật Mí 5 Sự Thật Ít Người Biết Về Dây Cót Đồng Hồ Cơ Đeo Tay
Trong đồng hồ cơ, dây cót chính là phần sinh ra năng lượng cung cấp cho mọi chuyển động. Có thể hiểu về dây cót đồng hồ như bộ phận tiếp nhận và tích trữ năng lượng cơ của tay khi chúng ta “lên dây thủ công” hoặc “đeo và cử động tự nhiên” rồi từ từ truyền năng lượng đi khắp các bộ phận khác.
Một mẫu đồng hồ cơ được “triển lãm” dây cót ở vị trí 12 giờ
8 Mẫu Đồng Hồ Sử Dụng Máy Cơ Từ Các Thương Hiệu Nổi Tiếng
▬ Vì thế, dây cót đồng hồ luôn được xem là một trong những linh kiện đồng hồ quan trọng nhất, không có dây cót, đồng hồ chẳng làm nên trò trống gì cả, nếu nó có vấn đề, chắc chắn cả đồng hồ đều có vấn đề lớn chứ chẳng đùa được.
▬ May mắn là cho đến hiện tại thì dây cót đồng hồ đã rất hoàn thiện, cực hiếm khi hư hỏng và có tuổi thọ khá dài nếu được bảo dưỡng đầy đủ (lau dầu, làm sạch). Dẫu vậy, xoay quanh linh kiện này và đồng hồ dây cót vẫn có vô số những điều cực kỳ thú vị mà bên dưới sẽ đề cập.
“Dây cót được phát minh vào khoảng đầu thế kỷ 15 trong các ổ khóa cơ và dần có mặt trong đồng hồ khi nhiều thợ khóa chuyển sang làm đồng hồ. Đồng hồ dây cót trở nên phổ biến ở thế kỷ 16 rồi từ từ được thu nhỏ khi đồng hồ bỏ túi ra đời ở thế kỷ 17 để rồi hoàn thiện (tăng thời gian trữ cót, năng lượng ổn định, giảm nguy cơ hỏng…) như ngày nay.”
❶ Hình Dáng Của Dây Cót Đồng Hồ
✦ Dây cót trong hầu hết đồng hồ cơ hiện đại đều là một dải (hoặc hai dải ghép lại) dây kim loại thường có độ dài 20-30 cm, ngang khoảng 1.4-1.5 mm và dày khoảng 0.05-0.2 mm được cuộn lại theo hình xoắn ốc.
✦ Trong hình bên từ trái qua phải là ba dạng cuộn xoắn ốc thường gặp: Xoắn Ốc (cuộn theo cùng một hướng, trong một vòng xoắn đơn giản); Bán Đảo Ngược (cuộn xoắn ốc nhưng đầu bên ngoài của dây cót được cuộn ngược chiều không đủ 1 vòng xoắn ốc; Đảo Ngược (cuộn xoắn ốc nhưng đầu bên ngoài của dây cót được cuộn ngược chiều hơn 1 vòng xoắn ốc).
✦ Trong đó, Đảo Ngược là hình dạng cuộn dây cót được dùng nhiều nhất hiện tại do tạo ra năng lượng cao hơn 30-40% Xoắn Ốc thông thường. Sự phổ biến của hình dạng này ngày nay cũng có công không nhỏ của các loại vật liệu làm dây cót mới (thép lò xo) bền bỉ hơn so với thép carbon cao cũ.
✦ Tùy theo tình trạng “cuộn”chặt hay lỏng mà dây cót đồng hồ có năng lượng hay không, có nhiều hay có ít. Nếu dải dây cót đồng hồ được cuộn chặt nhất có thể, tức nó đang được “tích trữ” đầy năng lượng. Ngược lại, nếu cuộn dây cuộn lỏng nhất có thể thì đồng nghĩa với việc cót đã nhả hết, chẳng còn tí năng lượng nào.
✦ Dây cót được đặt trong một cái hộp tròn dẹp (thùng cót/trống cót), hai đầu hộp đều có bánh răng, một đầu dây được móc vào trục chính giữa hộp, đầu dây còn lại móc vào thành hộp. Cứ như vậy, khi xoay Núm/Bánh Đà, các bánh răng sẽ truyền lực làm trục chính giữa hộp sẽ xoay, từ đó cuộn chặt dây cót, và đồng hồ được lên dây.
Ai cũng thích Sapphire nhưng thực ra nó lại là kẻ thua cuộc:
4 Lý Do Vì Sao Kính Khoáng (Mineral Crystal) Phổ Biến Nhất Ở Đồng Hồ
❷ Vật Liệu Làm Dây Cót Đồng Hồ
✦ Dây cót đồng hồ hiện nay đều được làm bằng thép lò xo, chúng không bị uốn vĩnh viễn và khó có thể bị vỡ hay đứt gãy (mỏi), ít bị nhiễm từ. Loại thép lò xo được dùng tùy theo yêu cầu của nhà sản xuất, bộ máy, ví dụ như ở Seiko là các hợp kim Spron.
(Thép lò xo thường là các hợp kim của thép carbon trung bình với nickel, chromium, cobalt, molybden … và một số phụ gia, được hiểu là loại thép có khả năng đàn hồi cao, cho phép chúng trở lại hình dạng ban đầu sau khi chịu lực xoắn lớn).
✦ Làm từ các vật liệu đàn hồi trên với hình dạng lò xo xoắn ốc và nhiệt luyện, dây cót chuyển hóa công năng của ngoại lực (Lực Tay Vặn Núm/Lực Tay Chuyển Động Làm Xoay Bánh Đà) thành thế năng đàn hồi, và giải phóng toàn bộ thế năng này trở lại thành công cơ học (kéo các bánh răng chuyển động) khi không có ngoại lực.
✦ Với các vật liệu thép lò xo, tình trạng mỏi (biến dạng nhẹ, giảm khả năng trữ năng lượng, đứt gãy) gần như không có, vì thế việc bạn vặn làm đứt cót là không thể xảy ra trừ khi nó đã làm việc cả trăm năm. Đồng hồ hiện đại (sản xuất sau những năm 60) khi hỏng cót phần lớn là do cốt mòn hoặc bung đầu nối.
❸ Cót Yếu Sẽ Làm Đồng Hồ Chạy Kém Chính Xác
✦ Một điều trọng yếu nhưng ít người để ý khi sử dụng đồng hồ cơ đó là mối tương quan “tỉ lệ thuận” giữa năng lượng trong cót với độ chính xác của đồng hồ. Khi dây cót đồng hồ có càng ít năng lượng thì độ chính xác khi càng giảm.
✦ Thông thường, độ chính xác cao nhất được công bố bởi nhà sản xuất luôn dành cho dây cót đồng hồ đạt 80-90% năng lượng trở lên. Ở mức năng lượng thấp hơn, độ chính xác có thể sẽ không được như vậy và sai số lớn nhất, rõ rệt nhất thường là lúc cót sắp nhả hết vì nó không đủ lực để kéo cả cơ cấu máy.
✦ Tuy rằng tình trạng chênh lệch độ chính xác khi cót đầy hay ít không quá nghiêm trọng nhưng bạn vẫn nên đeo hoặc lên dây thủ công đầy đủ cho đồng hồ nhé. Với đồng hồ tự động, nếu không thể đeo ít nhất 8 tiếng/ngày, bạn có thể tìm đến các hộp xoay đồng hồ và hạn chế lên dây thủ công để cốt máy và ron chống nước bền bỉ hơn.
Cuộc so tài hấp dẫn giữa hai biểu tượng cổ điển:
So Sánh Đồng Hồ Lên Dây Cót Bằng Tay Và Đồng Hồ Automatic
❹ Cót Không Bao Giờ Đầy Nếu Bạn Chỉ “Tự Động” Lên Dây
✦ Có một sự thật là đồng hồ tự động (đồng hồ Automatic) chỉ đeo thôi thì đeo nhiều đến đâu nó cũng gần như không thể lên cót tối đa được do cơ chế trượt chống hỏng cót của nó (tất cả đồng hồ tự động đều có).
✦ Trên hầu hết đồng hồ tự động, thường thì khi dây cót đạt mức năng lượng khoảng hơn 80%, cơ chế trượt sẽ “cảm thấy cót căng” và tự động kích hoạt để ngăn cản hoạt động của cơ chế lên dây tự động.
✦ Khi bạn chỉ đeo đồng hồ tự động để nó tự lên dây theo chuyển động tự nhiên của tay, mỗi ngày năng lượng đạt khoảng 50-60%, nếu nhiều lắm chỉ khoảng hơn 80% như đã nói ở trên.
✦ Đối với trường hợp không đeo mà dùng hộp lên dây, năng lượng thường cũng đạt khoảng 80% (nếu thiết đặt thông số Vòng Xoay Mỗi Ngày phù hợp) do cơ chế trượt chống hỏng cót trong máy.
✦ Vì thế, nếu muốn đạt mức năng lượng hơn thế, bắt buộc bạn phải lên dây thủ công do lực trực tiếp từ tay vặn núm do cơ chế này chỉ bị ngăn chặn bởi cơ chế trượt chống hỏng cót khi dây cót căng nhất có thể.
✦ Nhưng nói đi cũng phải nói lại, cót đồng hồ không cần phải đạt 100% năng lượng để hoạt động và chạy chính xác nên chúng ta hoàn toàn không cần phải lo lắng về vấn đề này.
✦ Chỉ cần nhớ đeo đủ 8 tiếng mỗi ngày là đủ, chênh lệch độ chính xác ở mức 50-60% năng lượng với 80-90% năng lượng cũng không đáng kể. Ngoài ra, nếu đồng hồ tự động có thời gian trữ cót lớn (từ 3 ngày trở lên), thỉnh thoảng nên lên dây thủ công để cót đạt mức năng lượng cao đảm bảo chính xác hơn.
= = = = = = = = = = = = = = = = = = = = = =
Xem thêm: Hướng Dẫn Sử Dụng Hộp Xoay Đồng Hồ ◆ Cho Các Hiệu Phổ Biến!
= = = = = = = = = = = = = = = = = = = = = =
❺ Cót Đồng Hồ Gần Như Không Bao Giờ Bị Lên “Lố”
✦ Mặc dù vấn đề lên lố cót là một trong số những ám ảnh mà người dùng hay nghĩ đến nhất khi dùng đồng hồ cơ (tự động, lên dây cót) nhưng trên thực tế chúng không bao giờ xảy ra trên đồng hồ tự động do cơ chế trượt chống hỏng cót và cực kỳ hiếm gặp trên đồng hồ lên dây cót bằng tay.
● Trong đồng hồ Automatic, kể cả đồng hồ Automatic có cơ chế lên dây thủ công thì việc lên dây trong đồng hồ đều thông qua cơ chế trượt chống hỏng cót, tuy vậy, cách hoạt động của chúng sẽ khác nhau:
— Với cơ chế tự động lên dây, khi cót khoảng 80%, bộ ly hợp trượt sẽ được kích hoạt, Trống Cót sẽ như được tách biệt khỏi các tác động do Bánh Đà tạo ra. Do đó, không bao giờ có chuyện đeo quá nhiều cót sẽ bị đứng, hỏng.
— Với cơ chế lên dây thủ công (trong máy tự động) thì phần đầu dây cót được gắn vào thành Trống Cót sẽ được bôi trơn, khi cót căng hết mức có thể, đầu dây này sẽ trượt trên thành trống cót để tránh tiếp tục lên dây. Vì vậy, khi vặn cót thấy cứng tay mà vẫn tiếp tục vặn, máy đồng hồ sẽ phát ra tiếng rẹt rẹt hoặc thấy nặng tay hơn so với khi chưa đầy cót. (Ở đây, có thể thấy rõ là lên dây thủ công “lố” sẽ không bị hỏng cót nhưng phần nào làm hao mòn cốt máy).
● Trong đồng hồ lên dây cót bằng tay, dù không có cơ chế trượt chống hỏng cót nhưng cảm giác cứng tay khi cót căng tối đa là rất lớn (lớn hơn nhiều so với khi lên dây thủ công làm cót căng tối đa trong máy tự động) thế nên sẽ chẳng có ai “liều” muốn vặn tiếp cả. Dĩ nhiên, nếu cố ý vặn tiếp, đầu nối dây cót sẽ bị bung ra, cót hỏng và bạn cần phải đem đồng hồ đi dịch vụ sửa chữa rồi.
= = = = = = = = = = = = = = = = = = = = = =
Đến đây thì bài viết về 5 sự thật ít người biết về dây cót đồng hồ đeo tay đã kết thúc rồi. Còn bây giờ bạn hãy theo dõi thêm chủ khác cực kỳ quan trọng về dây cót của đồng hồ, làm thế nào khi ► ► ► Đồng Hồ Automatic Chạy Được Bao Lâu Và Cách Xử Lý Khi Không Chạy
GPKThao