COSC Chronometer là gì? – Những chứng chỉ chất lượng của đồng hồ

cosc là gì

(Watchbook.vn) – Chronometer, Con dấu Geneva,… đều là những chứng chỉ khẳng định chất lượng đồng hồ

Chứng chỉ chất lượng chính là thứ khẳng định chất lượng cho một chiếc đồng hồ. Tuy vậy, có rất nhiều loại chứng chỉ và mỗi loại sẽ có tiêu chuẩn riêng. Tất cả những thương hiệu đồng hồ đều có một bộ phận kiểm tra chất lượng riêng, tuy nhiên, một số thương hiệu còn đầu tư hơn vào việc này và gửi sản phẩm của họ tới những bên thứ ba, chuyên kiểm định chất lượng.

Tên đơn vị kiểm định chất lượng quen thuộc nhất chính là COSC, chứng chỉ của họ thường dành cho những mẫu đồng hồ được sản xuất với số lượng lớn. Còn với những mẫu đồng hồ cao cấp hơn, Con dấu Geneva chính là con dấu đảm bảo uy tín nhất.

COSC Chronometer là gì?

chung nhan COSC

Chứng nhận COSC của đồng hồ Zenith

COSC là tổ chức kiểm định chất lượng nổi tiếng nhất trên thế giới, với khoảng 1.7 triệu chiếc đồng hồ được kiểm tra hàng năm (tương đương 6% tổng số đồng hồ được sản xuất tại Thụy Sĩ). COSC là viết tắt của Contrôle Officiel Suisse des Chronomètres – Viện Kiểm tra Đo lường Thụy Sĩ.

Tổ chức này được thành lập vào năm 1973, sau khi những bài kiểm tra của đài thiên văn Thụy Sĩ không còn được thực hiện nữa (do đồng hồ Quartz đã vượt trội đồng hồ cơ học về độ chính xác). Những người đồng sáng lập nên COSC là Liên đoàn Đồng hồ Thụy Sĩ và 5 bang có ngành đồng hồ phát triển tại đất nước này: Bern, Geneva, Neuchâtel, Solothurn, và Vaud.

Sự thống trị của COSC một phần nhờ những thương hiệu lớn như Omega, Rolex, Tissot hay Breitling đều gửi sản phẩm của họ tới đây để kiểm định. Rolex chiếm tới một nửa số đồng hồ được cấp chứng chỉ COSC với 800,000 chiếc đồng hồ mỗi năm.

logo cosc

Logo của tổ chức COSC

Bởi COSC kiểm tra chất lượng với số lượng rất lớn (5,000 bộ máy mỗi ngày), vậy nên phần lớn công đoạn được thực hiện một cách tự động. Có một điểm cần chú ý: họ chỉ kiểm tra bộ máy đồng hồ, theo tiêu chuẩn ISO 3159.

Những bộ máy cơ khí sẽ phải trải qua 16 ngày kiểm tra ở 5 vị trí và 3 mức nhiệt khác nhau, những bộ máy này sẽ phải giữ được độ chính xác theo đúng yêu cầu (sai lệch chỉ trong khoảng -4 giây tới +6 giây mỗi ngày).

Sau khi được kiểm tra bởi COSC, những bộ máy này sẽ được chuyển về hãng để tiếp tục công việc hoàn thiện. Chúng ta cũng nên biết rằng sau khi được kiểm tra bởi COSC, hãng sẽ kiểm tra lại một lần nữa. Vậy nên một chiếc đồng hồ đến tay bạn về lý thuyết sẽ đạt tiêu chuẩn của hãng chứ không phải của COSC.

So sánh với những chứng chỉ chất lượng khác, COSC không phải là một bài kiểm tra khó. Với 100 bộ máy được gửi tới kiểm tra, có tới 95 bộ máy sẽ được cấp chứng chỉ. Vì COSC chỉ kiểm tra bộ máy, nên khi bộ máy đó được lắp vào đồng hồ sẽ có một số sai lệch về thông số. Những số liệu được COSC kiểm tra sẽ được lưu giữ trong vòng 5 năm.

Con dấu Geneva

geneva seal

Con dấu Geneva trên giấy chứng nhận…

Trong khi COSC chỉ kiểm tra những yếu tố liên quan tới độ chính xác của bộ máy, Con dấu Geneva khẳng định chất lượng bộ máy một cách toàn diện hơn: cả độ chính xác và độ hoàn thiện. Với cái tên “Con dấu Geneva”, hẳn các bạn cũng đoán được chứng chỉ này chỉ dành cho sản phẩm tới từ Geneva.

Trong quá khứ, con dấu Geneva yêu cầu hai điều kiện từ bộ máy: được sản xuất tại Geneva và được trang trí, đánh bóng một cách tỉ mỉ. Với lý do đó, bộ máy muốn đạt con dấu Geneva chỉ cần được hoàn thiện đẹp mắt chứ không cần lo lắng về độ chính xác.

Thêm vào đó, nếu một bộ máy mẫu đạt được con dấu Geneva thì tất cả những bộ máy cùng loại cũng sẽ sở hữu chứng chỉ này. Được đưa vào luật từ năm 1886, chứng chỉ này nhằm bảo vệ những nhà sản xuất đến từ Geneva – nơi được cho rằng sản xuất đồng hồ có chất lượng cao hơn những nơi khác.

Geneva Seal Vacheron Constantin

…và trên đồng hồ Vacheron Constantin

Hai thương hiệu quen thuộc nhất với con dấu Geneva chính là Patek Philippe và Vacheron Constantin – hai đầu tàu của ngành đồng hồ Geneva. Tới thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước, đồng hồ chuyển dần từ một công cụ sang một món đồ thời trang, những thương hiệu như Gerald Genta và Chopard cũng sở hữu con dấu Geneva.

Những tiêu chuẩn chất lượng của con dấu Geneva được giữ nguyên trong khoảng thời gian hơn 100 năm, nhưng cuối cùng đã bị thay đổi bởi một khách quen. Patek Philippe vào năm 2009 đã quyết định không sử dụng con dấu Geneva mà thay vào đó là con dấu riêng của hãng.

patek seal

Con dấu riêng của Patek Philippe

TIMELAB, đơn vị chủ quản Trường đào tạo đồng hồ Geneva đã công bố nâng cấp tiêu chuẩn chất lượng của con dấu Geneva vào năm 2011, có hiệu lực vào năm 2012. Con dấu Geneva hiện nay vẫn yêu cầu chất lượng hoàn thiện bộ máy, nhưng nó còn yêu cầu cả về chất lượng của một chiếc đồng hồ hoàn chỉnh.

Một số điều kiện trở nên cực kỳ khó khăn. Ví dụ sau 7 ngày hoạt động, chiếc đồng hồ không được có sai lệch quá 1 phút. Nếu nó là đồng hồ Chronograph, tính năng này phải hoạt động trong 24 giờ đầu tiên. Thêm vào đó, con dấu Geneva sẽ được cấp tới từng bộ máy (thay vì 1 bộ máy mẫu như trước kia).

Ngày nay con dấu Geneva đã trở thành biểu tượng cho chất lượng và vị trí của thương hiệu trên thị trường, với khách hàng quen thuộc đến từ tập đoàn Richemont: Cartier, Roger Dubuis và Vacheron Constantin.

FQF

L.U.C Chopard FQF

Đồng hồ Chopard L.U.C với con dấu FQF

Trong khi con dấu Geneva chỉ mới chuyển sang đánh giá đồng hồ hoàn chỉnh được vài năm, Tổ chức Chất lượng Fleurier (Fleurier Quality Foundation – FQF) đã được thành lập từ năm 2001 với mục đích đó. Được thành lập bởi những thương hiệu ở Fleurier như Chopard, Bovet hay Parmigiani, FQF là một đơn vị độc lập có nhiệm vụ kiểm tra từng chiếc đồng hồ đã được hoàn thiện.

Đầu tiên, một chiếc đồng hồ muốn có chứng nhận FQF phải được sản xuất hoàn toàn ở Thụy Sĩ. Hoàn toàn ở đây có nghĩa là tất cả mọi linh kiện (trừ dây đeo) phải được sản xuất ở đất nước này. Những điều kiện của FQF cao hơn rất nhiều so với pháp luật Thụy Sĩ về một chiếc đồng hồ “Swiss made”.

Bên cạnh yêu cầu về nguồn gốc, FQF còn yêu cầu về độ hoàn thiện của bộ máy – giống với con dấu Geneva. Họ cũng kiểm tra độ chính xác của đồng hồ với những chiếc máy mô phỏng cánh tay của một người đeo đồng hồ.

FQF

Cỗ máy mô phỏng hoạt động của cánh tay người sử dụng đồng hồ của FQF

Bài kiểm tra này có tên là Chronofiable, được thực hiện bởi Laboratoire Dubois – một đơn vị kiểm tra độc lập tại La Chaux-de-Fonds. Họ sẽ kiểm tra một chiếc đồng hồ trong 21 ngày, mô phỏng 6 tháng đeo đồng hồ ngoài thực tế. Những bài kiểm tra này bao gồm tác động một lực mạnh, kéo giãn dây đeo. Mục đích của Chronofiable để tìm ra những khiếm khuyết trong quá trình sản xuất, vậy nên họ chỉ kiểm tra ngẫu nhiên 5-40 chiếc đồng hồ trong mỗi lô hàng.

Fleuritest là bước cuối cùng trong bài kiểm tra của FQF, được thực hiện riêng biệt với từng chiếc đồng hồ. Nó sẽ mô phỏng việc đeo đồng hồ trên cổ tay trong 24 giờ, với những chuyển động đa dạng từ hoạt động văn phòng cho tới chơi thể thao.

Chiếc đồng hồ sau khi hoàn thành bài kiểm tra phải có độ chênh lệch dưới 5 giây một ngày – một con số khá ấn tượng. Thật đáng tiếc, FQF cho tới hiện nay chỉ được xuất hiện trên ba thương hiệu thành lập nên tổ chức: Chopard, Bovet và Parmigiani.

Chronometric+

Chronometric+

Chronometric+ là một bài kiểm tra mới, với mục đích kiểm tra toàn diện đồng hồ

Kết hợp những bài kiểm tra toàn diện trên đồng hồ là những gì chứng chỉ Chronometric+ muốn hướng đến. Giống với Con dấu Geneva, chứng chỉ này được cung cấp bởi TIMELAB, tất nhiên với nhiều sự thay đổi.

Bài kiểm tra Chronometric+ sẽ kiểm tra từng chiếc đồng hồ hoàn chỉnh theo tiêu chuẩn ISO 3159 – giống với COSC. Tuy nhiên họ sẽ còn kiểm tra thêm khả năng chống nước, khả năng chống từ, thời lượng cót và độ chính xác của đồng hồ khi đeo trên cổ tay.

Giống với Con dấu Geneva, những bài kiểm tra này sẽ do các hãng đồng hồ tự thực hiện, tại nhà máy của họ. Trong một năm, sẽ có nhiều lần TIMELAB kiểm tra bất ngờ để đảm bảo những hãng đồng hồ đó thực hiện nghiêm ngặt các quy định của bài kiểm tra.

Chronometric+ dành cho tất cả những mẫu đồng hồ đủ điều kiện “Swiss made”, có nghĩa là dành cho rất nhiều đồng hồ, đến từ nhiều thương hiệu khác nhau. Hiện tại, Chronometric+ vừa mới ra đời nên rất khó để đánh giá sự thành công cũng như uy tín của bài kiểm tra này – nhưng rất có thể đây sẽ là một đối thủ nguy hiểm của COSC.

Các hãng đồng hồ ngày càng muốn sản phẩm của mình trở nên hoàn hảo hơn, từ đó việc xuất hiện những bài kiểm tra độc quyền của các thương hiệu lớn cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Tuy nhiên, không một bài kiểm tra nội bộ nào có thể có độ đảm bảo bằng một bài kiểm tra của bên thứ ba. Vì lý do đó, việc đánh bật COSC và Con dấu Geneva gần như là chuyện bất khả thi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *